Bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế

(INTERNATIONAL NEUROSURGERY HOSPITAL)

65A Lũy Bán Bích - Phường Tân Thới Hòa - Quận Tân Phú - TP.Hồ Chí Minh
ĐT: (028) 39616977- 39616996 - Fax: (028) 39616978

" CHẤT LƯỢNG LÀ NIỀM TIN "

Cấp cứu ngoại thần kinh và giải đáp thắc mắc trong trường hợp khẩn cấp 0947.65.65.65 - 0906 31 9999

CHỨNG NHỨC MỎI CHÂN VỀ BAN ĐÊM

"NHỨC MỎI" VỀ ĐÊM VÀ KHI NẰM

PGS.TS. Nguyễn Hữu Công,

Bệnh viện chuyên khoa Ngoại Thần kinh Quốc tế

Bộ môn Thần kinh Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Nhiều người, nhất là các cụ già, bị chứng đau nhức chân tay về đêm hoặc bất cứ khi nào nằm nghỉ ngơi. Cảm giác nhức mỏi làm cho họ không thể để yên chân tay được. Khi nằm ngủ, thường xuyên có nhu cầu phải cử động hay gồng cứng chân hay tay, thường là chân. Có cụ thường xuyên rên la nhức mỏi và làm cho con cháu phải đấm bóp liên tục. Việc cử động hay gồng cứng chân tay, hoặc đấm bóp, chỉ làm cho cảm giác nhức mỏi được dịu đi một chút, nhưng ngay khi ngừng cử động hay ngừng xoa bóp, lại thấy khó chịu ngay. Nhiều người mất ngủ vì chứng bệnh này. Có người bị nặng hơn, chỉ cần ngồi yên một chỗ là đã không chịu được, phải đứng dậy đi lại liên tục. Bản thân tôi đã chứng kiển có cụ già 70 tuổi, rất yếu, nhưng không thể nào ngồi yên hay nằm yên được, phải đi lại liên tục, người trở nên suy kiệt, mệt lả, mà vẫn không thể nằm hay ngồi nghỉ được. Con cháu phải đấm bóp suốt đêm, lâu ngày cũng mệt mỏi theo.

Vì bệnh nhân hay khai là bị "đau nhức", "nhức mỏi", nên các bác sỹ sẽ thường cho thuốc kháng viêm. Kết quả là không hết bệnh. Có người lại có cảm giác như có con gì (giống con giun, con kiến bò) bò dưới da hay trong bắp thịt.

Những người bị bệnh tiểu đường, suy thận, thì hay bị chứng bệnh này hơn. Thường người lớn tuổi hay bị hơn người trẻ tuổi, và thường được cho là chứng bệnh tất yếu phải có (Nhức mỏi tuổi già !!!).

Khi gặp những người bị nhức mỏi, hay bồn chồn, hay cảm giác lạ ở chân tay khi ngồi nghỉ hay khi nằm nghỉ, bạn hãy đặt những câu hỏi sau đây:

   1. Cảm giác đau nhức hay cảm giác bất thường ấy có làm cho bệnh nhânh có nhu cầu phải cử động chân tay hay không ?

   2. Cảm giác ấy có nặng lên khi người ta nằm nghỉ hay ngồi nghỉ hay không ?

   3. Cảm giác ấy có giảm đỡ đi khi người ta cử động hay không ?

   4. Cảm giác ấy nặng lên về chiều tối hoặc đêm phải không ?

 Nếu câu trả lời là "có", thì người ấy bị Chứng chân không yên (restless legs syndrome – RLS), còn gọi là hội chứng Wittmaack-Ekbom. Nên nhớ cảm giác "nhức mỏi" xuất hiện ở bắp thịt, không phải ở khớp, xuất hiện ngay khi bắt đầu nằm nghỉ. Cần phân biệt với đau nhức khớp thực sự sẽ bị đau nhiều về đêm khuya và sáng sớm ngủ dậy. Chứng đau nhức do ung thư bị suốt ngày, nhưng cũng nặng hơn về đêm. Vì vậy cần để bác sỹ chẩn đoán phân biệt trước, rồi mới nghĩ đến chứng chân không yên.

Chứng chân không yên là một tình trạng trong đó bệnh nhân có nhu cầu cử động một phần cơ thể, nhu cầu này không thể cưỡng lại được, nếu để yên sẽ có cảm giác rất khó chịu. Bệnh thông thường biểu hiện ở chân nhưng cũng có thể ở tay hoặc thân mình, cử động giúp cho bệnh nhân tạm thời cảm thấy dễ chịu. Cảm giác khó chịu ở chân (hoặc đôi khi ở tay) thường được mô tả là nhức mỏi, buồn bực, kiến bò, giun bò, châm chích… trong cơ bắp. Bệnh không chết người, nhưng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, gây phiền toái và đôi khi ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe do không thể nghỉ ngơi và ngủ được.

Phương pháp điều trị bao gồm những điều như sau:

  1. Dùng thêm sắt bổ sung (viên sắt), nhưng nhớ kiểm tra nồng độ ferritin huyết thanh trước
  2. Bỏ cà phê, thuốc lá và rượu;
  3. Ngừng dùng những thuốc có thể gây ra chứng chân không yên này (như thuốc chống trầm cảm, an thần kinh, chống nôn kiểu primperan hoặc thuốc kháng histamine).
  4. Các thuốc điều trị hội chứng chân không yên gồm levodopa, chủ vận dopamine (như pramipexole hoặc ropinirole), và một số thuốc không thông dụng khác.
  5. Đây không phải là bệnh xương khớp, hãy đến BS chuyên khoa thần kinh để khám xem có đúng là bị hội chứng chân không yên không
  6. Tại Việt Nam, Hội chứng chân không yên – RLS đã được nhắc tới từ lâu, và có 1 thuốc được ưa dùng là levodopa/carbidopa, ngoài ra còn có người dùng carbamazepine hoặc clonazepam. Tuy nhiên, thực tế bệnh nhân thường được chẩn đoán nhầm là bị bệnh lý xương khớp và hay được cho thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng viêm, ngược lại có một số bệnh nhân lại được cho dùng thuốc hướng thần để điều trị. Levodopa (dưới dạng levodopa/carbidopa hay levodopa/benserazide), với tên biệt dược là Sinemet hoặc Modopar, và Stalevo, có thể coi là thuốc có hiệu lực nhất, tuy nhiên việc dùng thuốc kéo dài đôi khi gặp trở ngại. Một thuốc thường xuyên được ưu tiên trong cân nhắc điều trị RLS là pramipexole. Gần đây, thuốc này đã được đưa vào lưu thông chính thức trên thị trường trong nước. Levodopa vẫn là thứ thuốc tốt và hiệu lực nhất để điều trị bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có nhu cầu dùng thuốc hàng ngày và dùng kéo dài, cũng như trên bệnh nhân có kèm nhu cầu dùng vitamine B6, thì pramipexole (Sifrol) là thuốc nên ưu tiên lựa chọn hàng đầu.

 

Bạn đọc có thể tham khảo thêm báo cáo khoa học về hội chứng này.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm website www.thankinhhoc.com

Bài viết liên quan

Hoạt động chuyên môn