Bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế

(INTERNATIONAL NEUROSURGERY HOSPITAL)

65A Lũy Bán Bích - Phường Tân Thới Hòa - Quận Tân Phú - TP.Hồ Chí Minh
ĐT: (028) 39616977- 39616996 - Fax: (028) 39616978

" CHẤT LƯỢNG LÀ NIỀM TIN "

Cấp cứu ngoại thần kinh và giải đáp thắc mắc trong trường hợp khẩn cấp 0947.65.65.65 - 0906 31 9999

CHUYỆN ĐỜI - CHUYỆN NGHỀ

XUÂN DƯƠNG LỊCH 2007

Chuyện đời – Chuyện nghề

Chữ TÀI liền với Chữ TÂM

SGGP, Cập nhật ngày 25/12/2006 lúc 21:52 (GMT +7)

Phó Giáo sư – Tiến sĩ VÕ VĂN NHO

(Trưởng khoa Ngoại thần kinh – Bệnh viện Chợ Rẫy)

“Coi bệnh nhân như người thân của mình”
Tại tầng 3 Bệnh viện Chợ Rẫy, phòng của bác sĩ Võ Văn Nho - Trưởng khoa Ngoại thần kinh,  thường xuyên có bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân ra vào. Trừ những lúc có ca mổ, chuông điện thoại di động của ông cứ reo liên hồi với những câu hỏi của bệnh nhân ở xa.

Dù việc khám, chẩn đoán bệnh và những ca mổ gây cho ông nhiều mệt mỏi và căng thẳng, người ta luôn thấy bác sĩ Võ Văn Nho nở nụ cười khi tiếp xúc bệnh nhân. Bác sĩ Nho cho rằng nụ cười của người thầy thuốc dành cho người bệnh lúc nào cũng rất quý giá, “nó giống như liều thuốc giúp họ giảm bớt 50% nỗi đau bệnh tật đồng thời là chút sẻ chia, an ủi giữa con người với nhau” - ông cười hiền.

 Đây là một trong những điều ông khắc cốt ghi tâm, cũng bởi bản thân ông đã từng có ấn tượng khó quên với một bác sĩ ở quê ông. Số là thời thiếu niên, ông hay bị bệnh vặt nên thường đến một bác sĩ tư có tiếng ở Bến Tre khám bệnh nhưng lạ một điều là vị bác sĩ này rất hiếm khi cười, thậm chí hay nạt nộ bệnh nhân khiến ai cũng sợ.

Chứng kiến cảnh đó, cậu bé Nho tức lắm, nghĩ bụng: “Mình đi khám bệnh, trả tiền đàng hoàng chứ có xin xỏ đâu mà bác sĩ lại la mắng. Mình phải ráng học để trở thành bác sĩ”. Mơ ước làm bác sĩ ở tuổi niên thiếu ban đầu tưởng như viển vông lại trở thành cái đích để ông phấn đấu và là cái nghiệp mà ông lựa chọn cho đời mình.

Khoa Ngoại thần kinh là lựa chọn của bác sĩ Nho từ thời sinh viên khi được phân công trực khoa này, chứng kiến cảnh người bệnh rên la đau đớn vì bị tổn thương vùng đầu. Cho đến bây giờ, ông vẫn còn nguyên cảm giác hạnh phúc sau lần mổ chính đầu tiên cho một ca bể hộp sọ năm ông 30 tuổi. Suốt 2 tiếng đồng hồ đứng mổ là khoảng thời gian vật lộn với tử thần đang kề cận bệnh nhân.

Thành công với ca mổ đầu tiên trong đời, niềm vui sướng dâng cao trong lòng vị bác sĩ trẻ đến trào nước mắt. Bước chân vào Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 1980, 26 năm gắn bó với khoa Ngoại thần kinh là một hành trình ông tiếp xúc với hàng ngàn người cận kề cái chết.

Phần lớn những ca cấp cứu được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy thuộc loại nặng, chủ yếu là trường hợp chấn thương sọ não hoặc các thương tổn liên quan đến hộp sọ... Do đó, ranh giới sống - chết như sợi chỉ mỏng manh, chỉ cần một phút lơ là hoặc chỉ định điều trị sai có thể chấm dứt một kiếp người hoặc làm thay đổi một số phận. Ông thổ lộ: “Cứu một người qua cơn nguy kịch, tôi rất hạnh phúc.

Tuy nhiên, đôi lúc tôi cũng gặp những thất bại ngoài ý muốn với những bệnh lý khó, nó khiến tôi trăn trở và mất ngủ. Nỗi buồn đó cứ trĩu nặng trong lòng. Chính vì vậy, tôi luôn tự nhắc mình không ngừng nỗ lực học hỏi”.

Trải qua thời bao cấp thiếu thốn và khó khăn, đồng lương thấp, ăn không đủ no nhưng bác sĩ Nho tự nhận ông rất giàu có về lòng nhiệt huyết và tình yêu công việc. Cho đến tuổi 47 hiện nay, ông vẫn giữ nguyên sự giàu có đó với tinh thần say mê công việc đến mức quên cả thời gian và cơm nước.

Điện thoại di động của ông không bao giờ tắt và nó thường làm ông giật mình thức giấc bởi những cú gọi của bệnh nhân lúc nửa đêm. Điều đó không làm ông bực mình mà trái lại: “Tôi sẵn sàng nghe máy. Đa số cuộc gọi này đều ở tỉnh xa, họ gọi mình vì cần mình tư vấn phương cách chữa trị và họ cần mình dẫn đường. Nếu phải mất ngủ nhiều đêm nhưng cứu được nhiều người thì tôi chẳng nề hà”.

Là một vị bác sĩ có y đức, bác sĩ Võ Văn Nho phản đối sự độc quyền trong y khoa vì “độc quyền sinh ra độc đoán. Bác sĩ giỏi mà độc quyền sẽ sinh ra chuyện làm khó bệnh nhân, vòi vĩnh người bệnh và biến họ trở thành lợi nhuận để bác sĩ làm giàu. Như vậy thì thất đức, thất nhân tâm”.

Năm 1993, bác sĩ Nho đảm nhận chính chương trình đào tạo “Cấp cứu chấn thương sọ não” dành cho bác sĩ ở các tỉnh phía Nam do Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai. Đây là cuộc trường chinh trong đời ông và các bác sĩ khác của khoa Ngoại thần kinh. Bản thân ông và đồng nghiệp đã hy sinh nhiều thời gian dành cho công việc và gia đình để tới từng tỉnh xây dựng đội ngũ hơn 200 bác sĩ đủ khả năng giải quyết các ca chấn thương sọ não tại địa phương hay vì chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay, chương trình này vẫn đang tiếp tục.

Làm giảng viên kiêm nhiệm của Đại học Quân Y, được mời giảng ở Đại học Y TPHCM nhiều năm nay, một bài học quan trọng không nằm trong giáo trình luôn được bác sĩ Nho truyền đạt cho sinh viên mình là “phải coi người bệnh như người thân của mình”.

Ông tâm sự: “Tôi thường khuyên các đồng nghiệp trẻ là không nên nạt nộ người bệnh. Họ lặn lội từ dưới quê lên đây chữa bệnh, mang theo nỗi đau bệnh tật. Họ giống như người chết đuối giữa dòng và họ coi bác sĩ là cái phao để cầu cứu. Ông tổ ngành y từng nói: Người thầy thuốc giỏi mà thiếu lòng nhân ái thì hết sức nguy hiểm.

Nhưng chỉ có lòng nhân ái mà không chịu học tập thì cũng không phải là thầy thuốc giỏi. Cho đến giờ, tôi thấy câu nói trên vẫn còn nguyên giá trị”.  

                                                                                                                               Hồng Loan (Báo SGGP)

 

 

 

Hoạt động chuyên môn