Bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế

(INTERNATIONAL NEUROSURGERY HOSPITAL)

65A Lũy Bán Bích - Phường Tân Thới Hòa - Quận Tân Phú - TP.Hồ Chí Minh
ĐT: (028) 39616977- 39616996 - Fax: (028) 39616978

" CHẤT LƯỢNG LÀ NIỀM TIN "

Cấp cứu ngoại thần kinh và giải đáp thắc mắc trong trường hợp khẩn cấp 0947.65.65.65 - 0906 31 9999

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI)

Cộng hưởng từ (MRI: magnetic resonance imaging) là gì?

MRI là kỹ thuật tạo hình cắt lớp sử dụng từ trường và sóng radio. Nguyên tử Hydrogen trong cơ thể dưới tác động từ trường và sóng radio, hấp thụ và phóng thích năng lượng sóng RF. Các mô cơ thể khác nhau sẽ hấp thụ và phóng thích năng lượng khác nhau. Quá trình phóng thích năng lượng được máy thu nhận, xử lý, chuyển đổi thành các tín hiệu hình ảnh. Hình ảnh MRI có độ tương phản cao, chi tiết giải phẫu tốt, khả năng tái tạo 3D, không có tác dụng phụ như  X quang nên ngày càng được chỉ định rộng rãi không chỉ cho thần kinh mà còn cho nhiều lĩnh vực khác: cơ xương khớp, tim mạch, bụng…

MRI là kỹ thuật hình ảnh hiện đại, mang tính cách mạng kỹ thuật đối với y học. Cho đến nay, MRI  ngày càng được sử dụng rộng rãi bởi sự chính xác, an toàn, không xâm nhập và không dùng tia X. Hình ảnh có độ phân giải cao, khảo sát đa mặt cắt, cho hình ảnh sắc nét về bộ phận cần chụp, đồng thời đánh giá được các tính chất của mô cần khảo sát.

 Lợi ích của máy cộng hưởng từ là gì?

        1. Bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi tia xạ.

        2. Bệnh nhân không bị ảnh hưởng gì về mặt sinh học.

        3. Thu được hình chụp đa mặt phẳng: Mặt phẳng trán, mặt phẳng ngang, mặt phẳng dọc hay bất kỳ mặt phẳng nghiêng nào.

        4. Độ phân giải mô mềm cao.  

        5. Hiển thị hình ảnh tốt hơn khi so với CT.

        6. Chụp được mạch máu não (MRA), kể cả khi không dùng chất tương phản.

        7. Là kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn.

        8. Chất tương phản tác dụng phụ rất hiếm.

 Bất lợi của máy cộng hưởng từ là gì?

       1. Giá thành còn cao.

       2. Không dùng được nếu bệnh nhân bị chứng sợ nơi chật hẹp hay đóng kín, hội chứng sợ lồng kính        (Claustrophobia)

        3. Thời gian chụp lâu: Gặp khó khăn nếu bệnh nhân nặng hay không hợp tác

       4. Vỏ xương và tổn thương có calci khảo sát không tốt bằng XQ, CT

       5. Không thể chụp bệnh nhân với máy tạo nhịp tim, các clip phẫu thuật, mô cấy ở mắt hay tai, …

      6. Không thể mang theo thiết bị hồi sức vào phòng chụp.

 

 

Những điều bệnh nhân cần biết trước khi chụp MRI

Khi tiến hành chụp MRI, bạn sẽ nằm bên trong một ống nam châm lớn, tức giữa một từ trường rất mạnh. Đó là lý do bạn chỉ thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh này khi có chỉ định của bác sĩ. Khi chụp, bạn nên nằm yên, không cử động để có được hình ảnh đạt chất lượng và hiệu quả tốt nhất.

1.CHUẨN BỊ CHỤP MRI:

  • Người bệnh nên mang theo các kết quả xét nghiệm, siêu âm, phim X quang và CT (nếu có) để Bác sĩ cộng hưởng từ tham khảo và quyết định kỹ thuật chụp thích hợp cho từng bệnh lý.
  • Nhân viên phòng tiếp nhận bệnh, khi hoàn thành thủ tục, người bệnh được hướng dẫn thay đồ bệnh viện, tháo răng giả, các vật trang sức như vòng nhẫn, dây chuyền, bông tai, đồng hồ đeo tay, Các thiết bị điện từ như thẻ tín dụng, thẻ rút tiền tự động (thẻ ATM), chìa khóa từ có thể bị xóa mất dữ liệu khi mang vào phòng máy.
  • Dụng cụ chuyên dùng trong phòng MRI sẽ được kỹ thuật viên dùng để kiểm tra các dị vật và thiết bị kim lọai được đặt trong cơ thể. Đặc biệt, các dị vật kim loại nhỏ, nằm trong cơ thể các các cơ quan có mô lỏng lẻo như ở não, mắt, tim, phổi, cạnh các mạch máu lớn... thì không nên chụp cộng hưởng từ. Còn lại ở các vị trí khác thì có thể chụp cộng hưởng từ.
  • Người bệnh thông báo cho nhân viên y tế biết nếu có mang các dụng cụ và thiết bị trong cơ thể như:

+Dị vật kim loại: Các nẹp vít kết hợp xương, mảnh đạn.

+Van tim nhân tạo

+Stent mạch máu.

+Các kẹp mạch máu não.

+Các khớp, chỏm xương nhân tạo

+Vòng tránh thai.

Các thiết bị này thường gây nhiễu hình ảnh cộng hưởng từ nên cần có một kỹ thuật chụp đặc biệt.

  • Những bệnh nhân được đặt các thiết bị điện tử:

+Máy tạo nhịp nhân tạo.

+Máy khử rung.

+Máy trợ thính.

+Thiết bị bơm thuốc tự động đặt dưới da ở bệnh nhân tiểu đường.

Không thể chụp cộng hưởng từ cho các trường hợp này, khi máy còn ở trên cơ thể bệnh nhân, vì từ trường mạnh của máy có thể làm hư các thiết bị trên.

  • Với trường hợp cần tiêm thuốc tương phản từ, nhân viên y tế sẽ hỏi về tiền sử dị ứng thuốc, các triệu chứng có thể xảy ra khi dị ứng: Buồn nôn, nổi mẩn,… Thuốc tương phản hoàn toàn không gây độc cho cơ thể.
  • Bệnh nhân không cần nhịn đói trước khi chụp MRI. Chỉ khi nào cần gây mê để chụp MRI, bệnh nhân phải nhịn đói 4 - 6 giờ trước khi chụp.

 2. TRONG KHI CHỤP MRI:

  • Thời gian chụp cộng hưởng từ thay đổi khoảng từ 15 phút đến 45 phút tùy thuộc vào cơ quan cần khảo sát, sự hợp tác của người bệnh (nằm yên) và có được tiêm thuốc tương phản hay không.
  • Trong phòng chụp, kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh nằm trên bàn chụp, với tư thế phù hợp nhất để bệnh nhân có thể nằm yên trong suốt quá trình chụp
  • Chụp cộng hưởng từ người bệnh sẽ nghe có tiếng ồn từ máy phát ra do hiện tượng cộng hưởng, đây là điều bình thường. Bệnh nhân sẽ đeo tai nghe nhạc để giảm bớt tiếng ồn.
  • Tùy theo bộ phận cơ thể mà kỹ thuật viên có thể yêu cầu như: Không nuốt nước bọt trong khi chụp cột sống cổ. Yêu cầu nín hơi thở khoảng thời gian ngắn trong chụp bụng và ngực, để có được hình ảnh đẹp hơn.
  • Người bệnh sẽ ở trong phòng chụp MRI một mình, tuy nhiên chúng tôi luôn luôn quan sát thấy và có thể đối thoại cùng người bệnh.
  • Với trường hợp cần tiêm tương phản, thuốc được tiêm vào tĩnh mạch tại vùng cẳng tay hay cổ tay, thời gian tiêm có thể từ 1 đến 2 phút. Sau tiêm thuốc, cơ quan cần khảo sát sẽ được chụp lại một lần nữa, nên người bệnh cũng sẽ nằm yên.
  • Khi tiêm thuốc, người bệnh có thể cảm giác toàn thân ấm lên hay có vị đắng ở lưỡi, điều đó là bình thường, và các triệu chứng sẽ tự hết trong vòng 2 đến 5 phút.

3. SAU KHI CHỤP MRI:

             Phim và bảng kết quả sẽ có sớm nhất trong vòng 15 đến 30 phút (hoặc vài giờ nếu cần hội chẩn).

 

 

 

 

     MRI ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH Ở BỘ PHẬN NÀO TRONG CƠ THỂ

1-SỌ NÃO:

     -U não, u dây thần kinh sọ não,…

    -Tai biến mạch máu não: Nhồi máu não, xuất huyết não, dị dạng mạch máu não.

    -Chấn thương sọ não.

    -Động kinh.

    -Bệnh lý thoái hóa chất trắng: Sa sút trí tuệ, bệnh chất trắng do tia xạ, sau phẫu thuật, xơ cứng rải rác,…

    - Bệnh lý viêm não, màng não.

    - Các dị tật bẩm sinh não: Teo não, khuyết não,...

2-HỐC MẮT:

    Các tổn thương thuộc nhãn cầu, ngoài nhãn cầu, dây thần kinh thị giác (U, chấn thương, viêm…)

3-TAI MŨI HỌNG:

    Tổn thương các bệnh lý (U, chấn thương, viêm…)

 

4-CỘT SỐNG:

      MRI chẩn đoán chính xác các bệnh lý cột sống, đĩa đệm, các dây chằng và tủy sống như:

            - Thoái hóa, Lồi và thoát vị đĩa đệm.

            - U tủy sống và các bệnh lý tủy sống: Rỗng tủy, xơ cứng rải rác, thoát vị màng não tủy

            - Chấn thương: Chảy máu, phù tủy, gãy xương.

- Viêm nhiễm: Viêm cột sống – đĩa đệm nhiễm trùng, lao cột sống, viêm tủy…

 

5-BỤNG CHẬU:

     Các bệnh lý gan, thận, lách, tụy và đường mật (MRCP), như U gan , U tuyến thượng thận, U tụy, u tử cung, sa trực tràng, sa âm đạo,…

 

6-VÚ:

        MRI cũng có thể được sử dụng để phát hiện các tổn thương ở vú như: Các u lành tính và các tính, các viêm nhiễm,…

 

7-CƠ XƯƠNG KHỚP: 

        MRI cho hình ảnh có độ nét cao các cấu trúc cơ, dây chằng, sụn, xương, tủy xương, mỡ, mạch máu.

            - Khớp gối: Rách sụn chêm, đứt dây chằng chéo…

            - Khớp háng: Hoại tử vô khuẩn, viêm khớp háng….

            - Các khớp khác: Khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay, khớp cổ chân.

- Viêm xương và mô mềm.

            - U xương và mô mềm.

 

Bài viết liên quan

Hoạt động chuyên môn