Bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế

(INTERNATIONAL NEUROSURGERY HOSPITAL)

65A Lũy Bán Bích - Phường Tân Thới Hòa - Quận Tân Phú - TP.Hồ Chí Minh
ĐT: (028) 39616977- 39616996 - Fax: (028) 39616978

" CHẤT LƯỢNG LÀ NIỀM TIN "

Cấp cứu ngoại thần kinh và giải đáp thắc mắc trong trường hợp khẩn cấp 0947.65.65.65 - 0906 31 9999

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH PARKINSON

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH PARKINSON

 

  1. Đại Cương

Bệnh Parkinson, được James Parkinson mô tả lần đầu tiên vào năm 1817 với tên gọi "liệt run". Đây là một rối loạn thần kinh tiến triển chậm do thoái hóa tế bào thần kinh chất đen trong não. Điều này dẫn đến thiếu hụt dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, đưa đến các rối loạn vận động gây tàn phế theo thời gian.

 

  1. Nguyên Nhân

Bệnh Parkinson có thể chia thành:

  • Bệnh Parkinson tự phát vô căn: không rõ nguyên nhân cụ thể.
  • Hội chứng Parkinson thứ phát: có thể do các nguyên nhân như thuốc, độc chất, nhiễm trùng, bệnh chuyển hóa, bệnh mạch máu não.
  • Hội chứng Parkinson trong các bệnh thoái hóa: bao gồm teo đa hệ thống, liệt trên nhân tiến triển, sa sút trí tuệ thể Lewy, và thoái hóa vỏ não - hạch nền.
  •  
  1. Chẩn Đoán

 Tiêu chuẩn đầu tiên cần có chẩn đoán là bệnh nhân có chậm cử động và ít nhất một trong hai triệu chứng run khi nghỉ, đơ cứng.

Các tiêu chuẩn hỗ trợ chẩn đoán bệnh Parkinson:

-   Đáp ứng rõ ràng và ngoạn mục với liệu pháp doaminergic. Trong giai đoạn khởi đầu điều trị, bệnh nhân phục hồi chức năng bình thường hoặc gần bình thường.

-   Có hiện diện loạn động do levodopa

-   Run khi nghỉ ở một chi, được xác định bằng khám lâm sàng (trong quá khứ, hoặc hiện tại)

-   Mất khứu giác hoặc có mất phân bố giao cảm tim trên xạ hình cơ tim MIBG.

Các triệu chứng bệnh Parkinson

 

Phân chia giai đoạn bệnh Parkinson theo Hoehn và Yahr sửa đổi

Độ 0

Không có triệu chứng

Độ 1

Triệu chứng chỉ 1 bên

Độ 1,5

Triệu chứng 1 bên và triệu chứng trục thân

Độ 2

Triệu chứng ở cả 2 bên, không mất thăng bằng

Độ 2,5

Triệu chứng 2 bên mức độ nhẹ, giữ được thăng bằng với test kéo ngược

Độ 3

Triệu chứng 2 bên mức độ nhẹ - trung bình, một số tư thế không ổn định, cuộc sống độc lập

Độ 4

Tàn phế nặng, vẫn có thể đi hoặc đứng không cần giúp đỡ

Độ 5

Ngồi xe lăn hoặc nằm liệt giường nếu không có sự giúp đỡ

 

  1. Cận lâm sàng:
  • Các test thần kinh tự chủ: là các test hoàn toàn không xâm lấn, có thể đánh giá mức độ nặng và đặc điểm rối loạn thần kinh tự chủ trong bệnh Parkinson và các hội chứng Parkinson không điển hình do thoái hóa (teo đa hệ thống).
  • MRI: trên MRI thường quy không thấy được các biến đổi của tế bào chứa dopamin, nhưng có thể dùng để chẩn đoán phân biệt với các hội chứng Parkinson không điển hình do thoái hóa (teo đa hệ thống, liệt trên nhân tiến triển, thoái hóa vỏ não hạch nền).

 

  1. Điều Trị

Bệnh Parkinson được điều trị chủ yếu bằng các loại thuốc nhằm tăng cường dopamine trong não hoặc giảm các triệu chứng.

  • Levodopa/Carbidopa

Levodopa được chuyển hóa thành dopamine trong não, cải thiện các triệu chứng của Parkinson. Carbidopa giúp ngăn chặn sự chuyển hóa sớm của Levodopa thành dopamine ngoài hệ thần kinh trung ương, giảm các tác dụng phụ.

  • Carbidopa/Levodopa phóng thích ngay (25/100 mg): Uống nửa viên đến 1 viên 3 lần/ngày.
  • Carbidopa/Levodopa kiểm soát sự phóng thích (50/200 mg): Uống 1 viên 2-3 lần/ngày.
  • Đồng Vận Dopamine

Các loại như Pramipexole, Ropinirole, và Rotigotine kích thích trực tiếp các thụ thể dopamine, giảm triệu chứng.

  • Pramipexole: Khởi đầu 0.125 mg, dùng ba lần mỗi ngày. Tăng dần liều lượng theo đáp ứng của bệnh nhân.
  • Ropinirole và Rotigotine cũng được sử dụng tương tự, tùy thuộc vào đáp ứng và khả năng dung nạp của bệnh nhân.
  • Anticholinergic
  • Các thuốc như Trihexyphenidyl hoặc Benztropine được sử dụng để kiểm soát run và loạn trương lực cơ.
  • Trihexyphenidyl từ 2-5 mg, 3 lần/ngày; Benztropine từ 0.5-2 mg, 3 lần/ngày.
  • Amantadine: Thường là 100 mg, 2 lần/ngày.
  • Thuốc ức chế monoamine oxydase typ B (MAO-B inhibitors)

Selegiline và Rasagiline: giúp ngăn chặn sự phân hủy của dopamine trong não, từ đó kéo dài tác dụng của Levodopa.

  • Thuốc ức chế men COMT (Catechol-O-methyl transferase inhibitors)

Entacapone và tolcapone: giảm thiểu các biến chứng liên quan đến việc dùng Levodopa, giúp gia tăng thời gian có hiệu quả của thuốc.

Điều Trị Hỗ Trợ

  • Vật lý trị liệu: Cải thiện khả năng vận động và cân bằng, phòng ngừa té ngã và chấn thương.
  • Tư vấn dinh dưỡng: Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

 

Hoạt động chuyên môn