ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM VÙNG THẮT LƯNG NHƯ THẾ NÀO CHO PHÙ HỢP
PGS. TS. Võ Văn Nho
Khi đề cập đến thoát vị đĩa vùng thắt lưng, vùng này thoát vị đĩa đệm xảy ra nhiều nhất so với vùng cổ và vùng lưng. Nói đến thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng mọi người luôn liên tưởng đến đau dây thần kinh tọa. Có phải chăng hai vấn đề này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Như vậy, làm sao để biết được có thoát vị đĩa đệm hay không? Đây là một câu hỏi đặt ra mà mọi người luôn quan tâm. Khi có đau vùng thắt lưng kèm theo đau xuống 1 chân hoặc đau cả 2 chân cần phải được tư vấn bởi thầy thuôc chuyên khoa về cột sống và ngoại thần kinh để có chẩn đoán chính xác rồi chọn lựa phương pháp chữa trị thích hợp hơn.
Nói chung, khi có đau vùng thắt lưng lan xuống 2 chân hoặc 1 chân, điều cần thiết là phải làm công hưởng từ (MRI) để chẩn đoán chính xác, rồi từ đó thầy thuốc chuyên khoa tư vấn một phương pháp điều trị hợp lý hơn. Dù rằng thương tổn đó điều trị bằng thuốc hay là điều trị bằng phương pháp mổ cũng phải được chụp cộng hưởng từ để có chẩn đoán chính xác và theo dõi chu đáo hơn trong thời gian uống thuốc hoặc đôi khi thay đổi thuốc cho phù hợp. Vả lại, nếu trong trường hợp một thoát vị đĩa đệm có đau dọc xuống chân mà điều trị trong 2 tới 3 tuần không đem lại hiệu quả, trên hình chụp MRI có một thoát vị đĩa đệm thật rõ ràng của L4-L5 hoặc L5-S1. Lúc này, phương pháp điều trị bằng mổ phải được tư vấn một cách đầy đủ bởi bác sĩ ngoại thần kinh hoặc bác sĩ chuyên khoa cột sống nhằm chọn lựa phương pháp mổ nào là tốt nhất và dự kiến kết quả đó như thế nào?
Không phải bất cứ thoát vị đĩa đệm nào tại vùng thắt lưng đều bắt buộc điều trị mổ. Nếu bác sĩ chỉ định đúng và phù hợp với phương pháp ngoại khoa thường mang lại kết quả cao và thỏa mãn được mong đợi của người bệnh.
Trong trường hợp chỉ có đau vùng thắt lưng đơn thuần, không có đau dọc xuống 1 chân hoặc 2 chân, nếu sau một thời gian uống thuốc không mang lại hiệu quả, nên chụp X-quang, CT Scan hoặc MRI xác định lại chẩn đoán. Cũng có những trường hợp thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng không gây đau chân nhưng có teo cơ 1 hoặc 2 chân kèm theo tê chân, nhất là tê vùng cẳng chân và bàn chân làm ảnh hưởng đến vận động, cảm giác gây khó chịu cho người bệnh mà trên chụp cộng hưởng từ cũng bộc lộ rõ một thoát vị đĩa đệm thắt lưng phù hợp với teo cơ và giảm cảm giác, lúc này nên đến thầy thuốc chuyên khoa tư vấn lại để có phương hướng điều trị hợp lý hơn.
Trong trường hợp, những người bị thoái hóa cột sống lâu ngày hoặc bị thấp khớp mãn, các khớp ở đốt sống cũng bị ảnh hưởng, gây đau thắt lưng mãn tính, ít khi đau xuống chân. Cũng có những trường hợp đĩa đệm bị lồi nhẹ ra sau, chèn ép các rễ thần kinh không rõ ràng nên dấu hiệu đau xuống chân cũng không điển hình. Vì vậy, phần lớn những trường hợp trên nên uống thuốc theo sự hướng dẫn của chuyên khoa kèm tập vật lý trị liệu thì phù hợp hơn. Một số ít trường hợp có thoát vị đĩa đệm thắt lưng lớn, tuy có chèn ép rễ thần kinh nhưng kết quả phẫu thuật cũng rất hạn chế, vì họ có một cơ địa thoái hóa cột sống hoặc thấp khớp mãn tính nên sau mổ thường vẫn còn đau tại thắt lưng kéo dài. Nếu trong trường hợp thực sự cần thiết phải mổ để loại bỏ nhân đệm gây chèn ép rễ thần kinh. Thầy thuốc nên giải thích rõ và đầy đủ hơn cho người bệnh hiểu được tình trạng bệnh của họ để họ chấp nhận phương pháp điều trị thích hợp.