Bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế

(INTERNATIONAL NEUROSURGERY HOSPITAL)

65A Lũy Bán Bích - Phường Tân Thới Hòa - Quận Tân Phú - TP.Hồ Chí Minh
ĐT: (028) 39616977- 39616996 - Fax: (028) 39616978

" CHẤT LƯỢNG LÀ NIỀM TIN "

Cấp cứu ngoại thần kinh và giải đáp thắc mắc trong trường hợp khẩn cấp 0947.65.65.65 - 0906 31 9999

HỘI CHỨNG CƠ HÌNH LÊ (CƠ THÁP)

Hội chứng cơ hình lê (cơ tháp)

Mô tả: Hội chứng cơ hình lê hay hội chứng cơ tháp (Piriformis syndrome) là một rối loạn thần kinh cơ hiếm gặp do cơ hình lê chèn ép dây thần kinh tọa (sciatic nerve). Đa số các trường hợp đau thần kinh tọa không phải do hội chứng cơ hình lê.

Nội dung chính

  1. Hội chứng cơ hình lê là gì?
  2. Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng cơ hình lê?
  3. Nguyên nhân của hội chứng cơ hình lê?
  4. Chẩn đoán hội chứng cơ hình lê như thế nào?
  5. Phòng chống hội chứng cơ hình lê như thế nào?

 

Hội chứng cơ hình lê là gì?

Hội chứng cơ hình lê hay hội chứng cơ tháp (Piriformis syndrome) là một rối loạn thần kinh cơ hiếm gặp do cơ hình lê chèn ép dây thần kinh tọa (sciatic nerve). Cơ hình lê là một cơ dẹt, hình lê (hay hình tháp) nằm xiên ở mông, cạnh bờ trên của khớp háng. Cơ hình lê có vai trò rất quan trọng trong vận động phần dưới của cơ thể bởi vì nó giúp cố định khớp háng, nâng và xoay đùi ra ngoài. Điều này cho phép chúng ta bước đi, nâng trọng lượng cơ thể từ chân này sang chân khác, và duy trì sự cân bằng. Cơ hình lê tham gia các động tác trong thể thao bao gồm nâng và xoay đùi nhanh và tham gia hầu hết các chuyển động của háng và chân.

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dày và dài trong cơ thể. Nó đi dọc theo và đi qua bờ dưới cơ hình lê, đi xuống mặt sau của chân, và cuối cùng chia nhánh thành các dây thần kinh nhỏ tận cùng ở bàn chân. Cơ hình lê co thắt có thể gây chèn ép dây thần kinh toạ.

Ghi chú: Cơ tháp còn được gọi là cơ hình lê. Dây thần kinh tọa còn được gọi là dây thần kinh ngồi hay dây thần kinh hông.

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng cơ hình lê?

Hội chứng cơ hình lê thường bắt đầu với những cơn đau, ngứa ran, hoặc tê ở mông. Đau có thể nặng và lan xuống theo chiều dài của dây thần kinh tọa (gọi là đau thần kinh tọa - sciatica). Đau trong hội chứng cơ hình lê là do sự co cơ hình lê chèn ép dây thần kinh tọa, chẳng hạn như trong khi đang ngồi trên một chiếc ghế xe hơi hoặc đang chạy. Đau cũng có thể được kích hoạt trong khi leo cầu thang, lực tác động trực tiếp trên cơ hình lê, hoặc ngồi lâu.

Tuy nhiên, đa số các trường hợp đau thần kinh tọa không phải do hội chứng cơ hình lê.

Chẩn đoán hội chứng cơ hình lê như thế nào?

Hình mô tả các nghiệm pháp của bác sĩ khám đối với những bệnh nhân bị đau dây thần kinh toạ để tìm nguyên nhân do thoát vị đĩa đệm hay do hội chứng cơ hình lê.

 

Không có xét nghiệm chẩn đoán chắc chắn hội chứng cơ hình lê. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân đã từng bị chấn thương vùng này, hoặc lặp đi lặp lại hoạt động mạnh như chạy đường dài hoặc ngồi lâu. Bác sĩ chẩn đoán hội chứng cơ hình lê dựa vào lời khai của bệnh nhân về các triệu chứng và sự thăm khám của bác sĩ có sử dụng một loạt các động tác gây đau do căng cơ hình lê. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tìm thấy lúc thăm khám sự co thắt hoặc giãn cơ hình lê.

Các triệu chứng của hội chứng cơ hình lê có thể tương tự các bệnh khác, vì vậy chụp cộng hưởng từ (MRI Scan) có thể được đề nghị để loại trừ các nguyên nhân khác gây chèn ép dây thần kinh tọa, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm.

Xem bài Thoát vị đĩa đệm và Chụp cộng hưởng từ (MRI Scan).

Chụp cộng hưởng từ (MRI Scan) là phương pháp duy nhất có thể thấy đầy đủ hình ảnh vùng cơ hình lê. Kết quả chụp được phụ thuộc vào nguyên nhân, và thường không có bất thường nào được ghi nhận. Hình cộng hưởng từ sẽ giúp bác sĩ nhìn thấy nếu có chấn thương hoặc viêm cơ hình lê, hoặc đôi khi bác sĩ có thể xác định có cơ hình lê phụ hay phì đại cơ hình lê hay không.

Hình cộng hưởng từ (MRI) khảo sát cơ hình lê của nhiều bệnh nhân khác nhau: (A) Cơ hình lê hai bên cân đối bình thường (các mũi tên hồng), (B) Phì đại cơ hình lê bên phải (mũi tên trắng), (C) Cơ hình lê phụ bên phải (mũi tên xanh), (D) U mỡ (Lipoma) vị trí cơ hình lê bên phải (các mũi tên đỏ), (E) Áp xe vị trí cơ hình lê bên phải (mũi tên xanh lá cây), (F) Phù cơ hình lê bên phải (mũi tên tím).

Nguyên nhân của hội chứng cơ hình lê?

  • Hẹp lỗ bịt
  • Có cơ hình lê phụ.
  • Phì đại cơ hình lê.
  • Tật cột sống thắt lưng cong ra trước...
  • Co thắt cơ hình lê
  • Vận động viên.
  • Bại não...
  • Viêm bao hoạt dịch, viêm vùng cơ hình lê...

Điều trị hội chứng cơ hình lê như thế nào?

Nếu đau là do ngồi hoặc do hoạt động nhất định nào đó, trước hết phải cố gắng tránh các tư thế gây đau. Sau đó, chườm nước đá và chườm nóng có thể giúp giảm các triệu chứng. Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu có thể đề nghị một chương trình bài tập và kéo giãn để giúp giảm sự chèn ép lên dây thần kinh tọa. Một số bác sĩ có thể đề nghị thuốc kháng viêm, giãn cơ, hoặc tiêm corticosteroid hoặc thuốc gây mê. Phương pháp điều trị khác như: iontophoresis, trong đó sử dụng một dòng điện nhẹ, và tiêm botulinum toxin (Botox) có thể được sử dụng. Sử dụng các thuộc tính gây liệt của botulinum toxin, tiêm Botox có thể làm giảm căng cơ và giảm chèn ép lên dây thần kinh tọa để giảm đau. Một số nghiên cứu đã tìm thấy Botox có hiệu quả hơn corticosteroids.

Phẫu thuật có thể được khuyến cáo như là một phương pháp điều trị cuối cùng.

Phòng tránh hội chứng cơ hình lê như thế nào?

Vì hội chứng cơ hình lê thường được gây ra bởi thể thao hoặc vận động gây mỏi ở cơ hình lê nhiều lần, chẳng hạn như chạy hoặc đá, việc phòng tránh thường phải chọn những môn thể thao tốt. Tránh chạy hoặc tập thể dục trên đồi hoặc trên các bề mặt không đồng đều. Khởi động đúng cách trước khi vận động và tăng cường độ dần dần. Sử dụng tư thế tốt trong khi chạy, đi bộ, hoặc tập thể dục. Nếu cơn đau xảy ra, ngừng hoạt động và nghỉ ngơi cho đến khi thuyên giảm đau. Gặp bác sĩ khi cần thiết.

Bài viết liên quan

Hoạt động chuyên môn