THƯỜNG THỨC VỀ ĐIỆN NÃO ĐỒ
Não người bao gồm hàng tỷ tế bào thần kinh, gọi là các neuron. Các tế bào này khi hoạt động sẽ phát ra sóng điện. Tập hợp của sóng điện của hàng tỷ tế bào này, có thể ghi được bằng các điện cực đặt trên da đầu. Phương pháp ghi đó được gọi là ghi điện não, hay điện não đồ (electroencephalography), viết tắt là EEG. Đừng nhầm lẫn với điện tâm đồ, hay điện tim, viết tắt là ECG; và điện cơ đồ, hay điện cơ, viết tắt là EMG. Điện tim (ECG) là ghi dòng điện xuất phát từ tim, còn điện cơ (EMG) là ghi dòng điện xuất phát từ cơ bắp và dây thần kinh ở chân tay.
Vì các sóng điện của não có biên độ (chiều cao, độ lớn) rất thấp, để ghi được nó ra giấy cho bác sỹ xem, ta phải dùng máy đo điện não đồ, trong máy có bộ phận khuyếch đại các sóng lên gấp nhiều lần. Ngoài ra, máy còn có chức năng chống nhiễu, vì như ta đã biết, ngoài sóng điện não còn có rất nhiều sóng điện quanh ta, trong đó có cả các sóng điện từ do dòng điện dùng trong mạng điện trong nhà gây ra, hoặc do các thiết bị điện tử xung quanh gây ra.
Trước đây, người ta ghi bằng phương pháp cơ học, tức là dùng bút ghi bằng mực, gắn với máy. Đầu ghi của bút đặt trên một bằng giấy trắng chạy đều đặn, sẽ tạo ra 1 đường ghi trên giấy. Bút ghi sẽ giao động theo biến thiên của sóng điện não, và do vậy ta có đường ghi ngoằn nghèo trên giấy, tạo ra các sóng. Giờ đây, người ta dùng máy điện não đồ số hóa: các giao động điện não sẽ được máy tính ghi nhận, lưu trữ trong bộ nhớ, và ghi ra giấy bằng máy in thông thường.
Các sóng điện não được ghi trên giấy được phân loại thành sóng alpha, bêta, delta và theta. Người ta còn tìm các gai nhọn, sóng nhọn và các sóng chậm biên độ cao, và một số sóng đặc biệt khác. Khi đọc một bản điện não, người ta xem xét đến sự khác biệt của các vùng. Bác sỹ sẽ quan tâm đến biên độ, tần số và tính đều đặn của các sóng. Nói chung ở người bình thường thì các sóng alpha xuất hiện ưu thế ở vùng phía sau (chẩm), còn sóng bêta ưu thế ở vùng phía trước (trán) của bản ghi điện não đồ. Người ta còn so sánh giữa 2 bán cầu não: các sóng tương đối cân xứng 2 bên, các điện cực đối diện nhau qua đường giữa thì thường có các sóng giống nhau, với biên độ gần bằng nhau. Chênh lệch biên độ không quá 50% giữa 2 bên.
Sau khi cho người bệnh nằm yên nhắm mắt để ghi, kỹ thuật viên sẽ thực hiện những nghiệm pháp hoạt hóa (gọi là Activation Procedures). Bao gồm 1) Tăng thông khí (Hyperventilation); 2) Kích thích ánh sáng (Photic Stimulation); 3) Thiếu ngủ (Sleep Deprivation).
Hệ thống đo Điện não đồ tại Bệnh viện chuyên khoa Ngoại Thần kinh Quốc tế
Điện não đồ là phương pháp không xâm lấn (không gây đau, không gây chảy máu), không mắc tiền, có thể làm lặp đi lặp lại mà không hại gì cho sức khỏe. Đây là một phương pháp theo dõi chức năng của não.
Mỗi lần ghi điện não đồ chuẩn sẽ kéo dài 20-40 phút. Nếu ghi điện não đồ giấc ngủ thì có thể 2 giờ hoặc suốt 1 đêm.
Các bác sỹ dùng Điện não đồ chuẩn để phát hiện và theo dõi bệnh động kinh. Ngoài ra, điện não đồ còn dùng theo dõi các trạng thái rối loạn ý thức như các bệnh não, tình trạng hôn mê, và đánh giá về chết não.
Những bệnh nhân bị đau đầu, chóng mặt, rối loạn trí nhớ và có rối loạn chức năng não kịch phát cũng có thể được cho kiểm tra điện não đồ, nhằm tìm các biểu hiện rối loạn khu trú ở não, hoặc các hoạt động điện bất thường khác của não, trước khi thực hiện các phương pháp khảo sát đắt tiền hơn như MRI, CT.