SIÊU ÂM - MỘT KỸ THUẬT CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH HỮU ÍCH TẠI BỆNH VIỆN
Chẩn đoán hình ảnh là ngành ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ vào chẩn đoán y khoa nhằm khảo sát các cơ quan nội tạng trong cơ thể con người. Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc không ngừng của khoa học kỹ thuật, chẩn đoán hình ảnh ngày càng có nhiều máy móc hiện đại và đang giữ một vai trò rất quan trọng đối với ngành y học trên thế giới. Điển hình là sự ra đời của nhiều phương tiện chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao như siêu âm Doppler, CT, MRI, DSA,... Các phương pháp này ngày càng phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Ở Việt Nam, ngành chẩn đoán hình ảnh cũng đang ngày càng lớn mạnh và khẳng định được tầm quan trọng của mình. Hòa vào xu thế đó, Bệnh viện Chuyên khoa Ngoại Thần Kinh Quốc Tế của chúng tôi cũng không ngừng đầu tư các trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm Dopper, siêu âm xuyên sọ, xquang kỹ thuật số, CT và MRI nhằm phục vụ tốt hơn cho việc chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện của chúng tôi.
Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được đưa vào ứng dụng lâm sàng từ những năm 1960. Kỹ thuật này sử dụng một đầu dò phát ra chùm sóng âm thanh có tần số rất cao mà tai người không nghe thấy được gọi là sóng siêu âm. Chùm sóng này sẽ đi xuyên vào cơ thể người và lan đến các cơ quan nội tạng bên trong. Sau đó, một phần chùm sóng âm này sẽ được phản hồi lại và thu nhận tại đầu dò, chuyển tín hiệu về bộ phận xử lý (trong máy siêu âm) để cho ra hình ảnh sống động về cơ quan đang được khảo sát. Chùm sóng siêu âm không hề gây tổn thương cho các cơ quan mà nó đi xuyên qua. Vì vậy, siêu âm là một phương tiện chẩn đoán nhanh chóng, an toàn, không gây đau, không gây hại cho bệnh nhân và có chi phí thấp nhất. Do đó, siêu âm gần như là phương tiện chẩn đoán được nghĩ đến đầu tiên đối với bác sĩ lâm sàng.
Những công dụng phổ biến của siêu âm:
Siêu âm là cách hữu ích để kiểm tra nhiều cơ quan bên trong cơ thể như:
· Tim và các mạch máu, bao gồm động mạch chủ bụng và những nhánh chính của nó.
· Gan.
· Túi mật.
· Lách.
· Tụy.
· Thận.
· Bàng quang.
· Tử cung, buồng trứng và thai nhi.
· Tai.
· Tuyến giáp và tuyến cận giáp.
· Bìu (tinh hoàn).
· Mắt.
· Tuyến giáp và tuyến cận giáp.
· Bìu (tinh hoàn).
· Tắc nghẽn dòng máu (chẳng hạn như huyết khối).
· Hẹp các mạch máu (có thể gây ra do mảng xơ vữa).
· Những khối u mô mềm và dị tật bẩm sinh.
Hình dạng của thiết bị:
Máy siêu âm bao gồm bộ điều khiển gồm có máy vi tính và nguồn điện, màn hình và đầu dò được dùng để scan cơ thể và các mạch máu. Đầu dò là một thiết bị nhỏ cầm tay tương tự như chiếc microphone, được nối với máy bằng một sợi dây. Đầu dò sẽ phát sóng âm có tần số cao vào cơ thể rồi sau đó lắng nghe sóng dội lại từ các mô trong cơ thể. Nguyên lý hoạt động của nó tương tự như thiết bị phát hiện tàu ngầm được dùng ở các tàu thuyền hoặc tàu ngầm trên biển.
.
Máy siêu âm
Đầu dò siêu âm
Hình ảnh siêu âm sẽ được hiển thị ngay lập tức ở màn hình kế bên tương tự như màn hình vi tính hoặc màn hình TV. Hình ảnh được tạo ra dựa vào biện độ (độ mạnh), tần số, và thời gian tín hiệu âm quay trở về đầu dò từ cơ thể người bệnh.
Chuẩn bị:
Bạn nên mặc đồ thoải mái, quần áo lỏng khi khám. Bạn có thể phải cởi bỏ hết tất cả quần áo và trang sức nằm trong khu vực được khảo sát.
Bạn cũng có thể được yêu cầu mặc áo choàng khi thực hiện thủ thuật.
Những chuẩn bị khác: tùy thuộc vào từng loại siêu âm. Đối với một số loại siêu âm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn không ăn hoặc uống trong vòng 12 giờ trước khi khám. Đối với một số loại khác, bạn sẽ được yêu cầu uống khoảng 5 ly nước trong vòng 2 giờ trước khi khám và không đi tiểu, để bàng quang chứa đầy nước khi khám.
Cách thực hiện:
Trong hầu hết các cuộc khám siêu âm, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm ngửa trên bàn khám.
Một chất gel trong suốt sẽ được bôi lên vùng cơ thể cần khảo sát, để giúp đầu dò tiếp xúc trực tiếp với cơ thể và hạn chế không khí chen vào giữa đầu dò và da bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ siêu âm sẽ ấn đầu dò vào da bệnh nhân và quét nó về phía sau và ra trước, trên những vùng cơ thể được khám.
Khi quá trình khám kết thúc, bệnh nhân sẽ được yêu cầu mặc lại quần áo và ngồi đợi bác sĩ nghiên cứu hình ảnh siêu âm. Tuy nhiên, các bác sĩ siêu âm thường có thể nghiên cứu các hình ảnh siêu âm trong thời gian thực hiện và bệnh nhân có thể ra về ngay lập tức.
Hầu hết những đợt khám siêu âm sẽ hoàn thành trong khoảng từ 15 phút đến 1 giờ.
Bệnh nhân sẽ cảm thấy như thế nào trong lúc siêu âm và sau khi siêu âm:
Hầu hết các thủ thuật siêu âm đều không đau, nhanh chóng và dễ dàng.
Sau khi bạn nằm trên giường theo đúng tư thế, bác sĩ sẽ bôi một ít gel ấm lên da và đặt đầu dò lên cơ thể, di chuyển nó ra sau và ra trước trên khu vực được khám cho đến khi ghi nhận được hình ảnh mong muốn. Thường không có sự khó chịu nào, khi bác sĩ ấn đầu dò lên vùng cơ thể được khám.
Nếu siêu âm ở khu vực nhạy cảm, bạn có thể cảm thấy áp lực hoặc bị đau nhẹ do đầu dò.
Nếu được siêu âm Doppler, bạn có thể nghe thấy những âm thanh như mạch đập thay đổi cao độ, khi dòng máu đang được theo dõi và đo đạc.
Sau khi siêu âm, gel sẽ được lau sạch khỏi cơ thể bệnh nhân.
Sau khi siêu âm, bạn có thể quay trở lại những sinh hoạt hằng ngày của mình.
Ai sẽ phân tích kết quả siêu âm?
Các bác sĩ thuộc chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, là những bác sĩ được đào tạo để quan sát và phân tích các khảo sát hình ảnh học, sẽ là người phân tích hình ảnh và gửi kết quả đến các bác sĩ trực tiếp điều trị cho bạn. Trong một số trường hợp, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ thảo luận kết quả với bạn khi kết thục cuộc khám.
Những ích lợi và nguy cơ của siêu âm:
Ích lợi:
- Hầu hết các phương pháp siêu âm đều không xâm lấn (không dùng kim cũng như không cần phải tiêm thuốc) và thường không gây đau.
- Siêu âm được sử dụng rộng rãi, dễ dàng và ít tốn kém hơn những phương tiện hình ảnh khác.
- Siêu âm không dùng tia xạ ion hóa.
- Siêu âm có thể cho thấy hình ảnh rõ ràng của các mô mềm vốn thể hiện không tốt trên hình X quang.
- Siêu âm không gây ra những vấn đề nào về sức khỏe và có thể thực hiện lập đi lập lại ở mức độ cần thiết.
- Siêu âm là phương pháp khảo sát hình ảnh ưa thích để chẩn đoán và theo dõi ở những phụ nữ mang thai và thai nhi.
- Siêu âm cung cấp hình ảnh theo thời gian thực nên trở thành một công cụ tốt để hướng dẫn cho các thủ thuật xâm lấn tối thiểu chẳng hạn như tiêm cortisone, sinh thiết bằng kim, dùng kim hút các dịch trong khớp hoặc ở những nơi khác trên cơ thể.
Nguy cơ:
- Đối với siêu âm chẩn đoán cơ bản thì vẫn chưa tìm thấy những tác dụng có hại của nó trên con người.
Những giới hạn của siêu âm chẩn đoán
Sóng siêu âm bị cản trở bởi hơi hoặc không khí, do đó siêu âm không phải là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh lý tưởng cho ruột và những cơ quan bị ruột che khuất. Trong hầu hết các trường hợp, khảo sát với barium, CT scan, và MRI là những phương pháp được lựa chọn ở tình huống này.
Sóng siêu âm không đi qua được không khí, do đó khảo sát dạ dày, ruột non, và ruột già có thể bị giới hạn. Khí ở ruột non có thể ngăn không quan sát được những cấu trúc nằm sâu hơn như tụy và động mạch chủ. Những bệnh nhân có thể trạng mập, siêu âm khó khăn hơn do các mô làm suy giảm (làm yếu đi) sóng âm khi nó đi sâu hơn vào cơ thể.
Sóng âm khó xuyên thấu được xương và do đó chỉ có thể nhìn thấy được mặt ngoài của các cấu trúc xương chứ không nhìn được những gì nằm bên trong. Để quan sát được những cấu trúc bên trong của xương và một số khớp, các bác sĩ thường dùng một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, chẳng hạn như MRI.
Hiện nay, các dịch vụ siêu âm tại khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh của chúng tôi bao gồm:
- Siêu âm bụng tổng quát.
- Siêu âm tim.
- Siêu âm phần mềm như tuyến giáp, tuyến mang tai, tuyến vú,...
- Siêu âm mạch máu chi dưới.
- Siêu âm mạch cảnh – đốt sống.
- Siêu âm xuyên sọ để khảo sát các mạch máu trong hộp sọ.