Bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế

(INTERNATIONAL NEUROSURGERY HOSPITAL)

65A Lũy Bán Bích - Phường Tân Thới Hòa - Quận Tân Phú - TP.Hồ Chí Minh
ĐT: (028) 39616977- 39616996 - Fax: (028) 39616978

" CHẤT LƯỢNG LÀ NIỀM TIN "

Cấp cứu ngoại thần kinh và giải đáp thắc mắc trong trường hợp khẩn cấp 0947.65.65.65 - 0906 31 9999

CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH (CT scanner)

LỊCH SỬ

Chụp cắt lớp vi tính (CLVT) hay còn gọi là chụp CT scanner (CT), là kỹ thuật được phát minh bởi nhà vật lý người Anh Godfrey Hounsfield và bác sĩ Allan Cormack vào năm 1972. Vào năm 1979, Hounsfied và Cormack được nhận giải Nobel vật lý nhờ những ứng dụng của CT trong y học và khoa học.

Máy CT đầu tiên được đưa vào ứng dụng trong lâm sàng vào năm 1974-1976, lúc này máy CT chỉ được dùng để chụp sọ não, thời gian chụp một lát cắt mất vài giờ. Từ những năm 80 trở về sau, CT được ứng dụng rộng rãi hơn trong lâm sàng, được áp dụng cho tất cả các bộ phận trong cơ thể, thời gian chụp nhanh hơn và chất lượng hình ảnh cao hơn.

Các thế hệ máy CT không ngừng được cải tiến, từ máy một lát cắt, đến thế hệ máy chụp xoắn ốc (Spiral CT) đến thế hệ máy đa lát cắt (2, 4, 6….320, 640 lát cắt) và máy chụp CT năng lượng kép (Dual-CT). Hiện nay, trên thế giới có trên 30.000 máy CT được lắp đặt.

 

ỨNG DỤNG

Ngày nay, CT được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng để phát hiện bệnh lý từ sọ não, đầu mặt cổ, tim, ngực, bụng, chậu, xương, mô mềm cho đến bệnh lý mạch máu não, cổ, mạch máu chi và các mạch máu tạng khác. CT còn được dùng để hướng dẫn phẫu thuật, xạ trị, theo dõi sau phẫu thuật. Kỹ thuật 3D-CT cho phép đánh giá chính xác vị trí tổn thương trong không gian 3 chiều, từ đó định hướng tốt cho phẫu thuật cũng như xạ trị. Kỹ thuật này còn dùng để tái tạo 3D trong các bệnh lý bất thường bẩm sinh, giúp cho các nhà phẫu thuật tạo hình chỉnh sửa tốt hơn các dị tật bẩm sinh.

 

ƯU ĐIỂM

  • Hình ảnh rõ nét do không có hình tượng nhiều hình chồng lên nhau
  • Khả năng phân giải những hình ảnh mô mềm cao hơn nhiều so với X quang.
  •  Thời gian chụp nhanh, cần thiết trong khảo sát, đánh giá các bệnh cấp cứu và khảo sát các bộ phận di động trong cơ thể (phổi, tim, gan, ruột…).
  • Độ phân giải không gian đối với xương cao nên rất tốt để khảo sát các bệnh lý xương.
  • Kỹ thuật dùng tia X, nên có thể dùng để chụp cho những bệnh nhân có chống chỉ định chụp cộng hưởng từ (Đặt máy tạo nhịp, van tim kim loại, máy trợ thính cố định, di vật kim loại…).

NHƯỢC ĐIỂM

  • Do khả năng đâm xuyên mạnh của tia X nên CT khó phát hiện các tổn thương phần mềm hơn là MRI.
  • CT khó phát hiện được các tổn thương sụn khớp, dây chằng và tổn thương tủy sống.
  • Những cơ quan và tổn thương có cùng đậm độ thì khó phát hiện và khó phân biệt trên CT.
  • Độ phân giải hình ảnh của CT thấp hơn MRI, nhất là các cấu trúc mô mềm, vì vậy CT khó phát hiện các tổn thương có kích thước nhỏ.
  • CT là kỹ thuật dùng tia X và gây nhiễm xạ. Mức độ nhiễm xạ mỗi lần chụp đều nằm trong giới hạn cho phép.

CHỈ ĐỊNH

1. CT Scan sọ não

  • Bệnh cảnh chấn thương: Chấn thương sọ não, chấn thương đầu mặt, đa chấn thương.
  • Bệnh cảnh tai biến mạch máu não: Tai biến mạch máu não thoáng qua, tai biến mạch máu não có dấu hiệu thần kinh khu trú (liệt mặt, liệt nửa người, thất ngôn…).
  • Dấu hiệu thần kinh: động kinh, co giật, chóng mặt, đau nửa đầu.
  • Hội chứng tăng áp lực nội sọ (đau đầu, buồn nôn, nhìn mờ…).
  • Một số bệnh lý khác: viêm não, viêm màng não, áp xe não, lao não-màng não, sa sút trí tuệ…

2. CT Scan đầu mặt cổ

  • Chấn thương vùng đầu mặt cổ
  • U vùng đầu mặt cổ
  • Viêm, áp xe mô mềm vùng cổ
  • Bệnh lý các xoang và hốc mũi
  • Dị vật đường ăn và đường hô hấp

3. CT Scan cột sống

  • Chấn thương cột sống
  • Đa chấn thương, trong đó có nghi ngờ chấn thương cột sống
  • Bệnh lý khác: U xương lành tính, u xương ác tính, di căn xương
  • Bệnh nhiễm trùng: Lao cột sống, áp xe mô mềm cạnh sống, hội chứng chèn ép tủy
  • Bất thường bẩm sinh cột sống: Gù cột sống, vẹo cột sống, bất sản đốt sống, dính đốt sống
  • Bệnh lý vôi hóa dây chằng dọc trước, dọc sau.

4. CT Scan phổi và lồng ngực

  • Bệnh lý u phổi: Xác định kích thước, số lượng, tính chất của u; đánh giá sự xâm lấn và lan tràn của u.
  • Bệnh lý phế quản: Dãn phế quản, viêm tiểu phế quản cấp.
  • Bệnh lý phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
  • Bệnh lý nhiễm trùng phổi: Viêm phổi, áp xe phổi, lao phổi, nấm phổi.
  • Bệnh lý khác: Bệnh bụi phổi, bệnh lý phổi kẽ, bất thường bẩm sinh, phổi biệt lập, ho ra máu kéo dài…
  • Bệnh lý màng phổi: Tràn dịch, tràn khí màng phổi, u màng phổi, ổ cặn màng phổi.
  • Bệnh lý trung thất: U trung thất, u tuyến ức, tuyến giáp thòng, kén màng tim, kén màng phổi, hạch trung thất.
  • Bệnh lý mạch máu: Phình bóc tách động mạch, thuyên tắc động mạch phổi, bất thường mạch máu bẩm sinh.
  • Bệnh lý xương thành ngực: Xương sườn, sụn sườn, xương ức, đốt sống ngực.
  • Chấn thương ngực hoặc nghi ngờ chấn thương ngực.

5. CT Scan bụng chậu

  • Bệnh lý gan và đường mật: U gan lành và ác tính, chấn thương gan, ung thư đường mật, sỏi mật, viêm và áp xe gan, nhiễm ký sinh trùng gan, xơ gan,…
  • Bệnh lý tụy, lách, thượng thận: U, viêm, di căn, chấn thương.
  • Bệnh lý thận và tiết niệu: Sỏi, u, nhiễm trùng, chấn thương.
  • Bệnh lý đường tiêu hóa: Tắc ruột, xoắn ruột, viêm, ruột thừa viêm, lao, u đại tràng….
  • Bệnh lý tử cung, buồng trứng, tiền liệt tuyến

6. CT Scan xương khớp

  • Chấn thương xương
  • Bệnh lý xương: Viêm xương, u xương, di căn xương, lao xương
  • Bất thường bẩm sinh xương

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Không có chống chỉ định tuyệt đối chụp CT.
  • Những chống chỉ định liên quan đến thuốc cản quang: Bệnh nhân suy thận nặng, suy chức năng gan nặng, dị ứng thuốc cản quang, sốt cao mất nước nặng.
  • Bệnh nhân có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ (vào thời kỳ này, các tế bào thai nhi chưa thanh thục, rất nhạy cảm với tia X, nếu tiếp xúc với tia X có thể làm xuất hiện các dị tật của thai nhi).

 

THUỐC CẢN QUANG

Thuốc cản quang là những loại thuốc được tiêm vào cơ thể để thấy rõ hơn một mô hoặc tổn thương. Thuốc cản quang có chứa Iode sẽ làm cho những cấu trúc hoặc tổn thương bắt thuốc có màu trắng sáng trên hình chụp cắt lớp vi tính, điều này sẽ giúp phân biệt nó với các cấu trúc khác xung quanh nó.

Các thuốc cản quang mới thường có độ dung nạp tốt, tuy nhiên một số tác dụng phụ có thể xảy ra như đỏ phừng mặt, buồn nôn và nôn. Một số phản ứng khác như ngứa, nổi mề đay, lạnh run hoặc sốt hiếm khi xảy ra và tùy thuộc vào từng cơ địa bệnh nhân.

Một bệnh nhân có dị ứng thực sự với một loại thuốc cản quang chứa iode sẽ sinh ra phản ứng nếu ta tiêm lại chất cản quang này. Phải nhận biết được các dấu hiệu của phản ứng dị ứng, để lần sau, nếu cần tiêm thuốc cản quang thì tránh dùng thuốc đã bị dị ứng trước đó.

1. Chỉ định tiêm thuốc cản quang

  • Phần lớn trường hợp chụp CT bụng cần bơm thuốc cản quang, trừ khi đã biết rõ nguyên nhân gây cơn đau quặn thận là do sỏi niệu quản.
  • Các trường hợp nghi u.
  • Phần lớn các trường hợp nghĩ viêm, áp xe cần tiêm thuốc cản quang. Ngoại trừ viêm phổi đã chẩn đoán chắc chắn và không cần phân biệt với các bệnh lý khác.
  • Bệnh lý mạch máu: dị dạng mạch máu, phình mạch, giả phình, bóc tách động mạch,…
  • Một số trường hợp đặc biệt: đánh giá vùng tái tưới máu của tổn thương, tìm nguồn mạch nuôi của phổi biệt lập, chẩn đoán mức độ vách hóa của tụ máu dưới màng cứng giai đoạn bán cấp…

2. Chống chỉ định tiêm thuốc cản quang

2.1. Chống chỉ định tuyệt đối

  • Mất nước nặng
  • Dị ứng với Iode.

2.2. Chống chỉ định tương đối:

  • Suy thận độ III, IV: Nếu cần phải tiêm thuốc, phải lên kế hoạch chạy thận nhân tạo ngay sau khi bơm thuốc cản quang.
  • Suy gan, suy tim mất bù.
  • Đa u tủy, đặc biệt bệnh nhân thiểu niệu. Nếu cần phải chụp thì cần truyền dịch cho bệnh nhân.
  • Cơ địa dị ứng: Nếu cần chụp thì có thể cho bệnh nhân dùng Steroid 13, 5 và 1 giờ trước khi chụp, có thể dùng kháng histamine và chuẩn bị sẵn phương tiện hồi sức.
  • Bệnh mạn tính: Cường giáp, đái tháo đường, hồng cầu hình liềm, hen suyễn.
  • Phụ nữ có thai.

 

QUÁ TRÌNH CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH

1. Trước khi chụp

  • Tháo bỏ tất cả các vật bằng kim loại như kẹp tóc, áo nịt ngực có gọng kim loại, trang sức, kính, đồng hồ, thiết bị trợ thính và răng giả vì các vật này sẽ gây nhiễu ảnh khi chụp.
  • Bệnh nhân phải thông báo cho nhân viên y tế nếu có một trong các bệnh sau: tiểu đường, hen suyễn, tĩnh mạch, thận và dị ứng thuốc.
  • Bệnh nhân phải thông báo cho nhân viên y tế nếu mình có thai hoặc nghi ngờ có thai.
  • Bệnh nhân hoặc thân nhân cần ký vào bản cam kết tiêm thuốc cản quang nếu như cần tiêm thuốc cản quang.
  • Bệnh nhân cần nhịn ăn trước 4-6 giờ nếu cần tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân vẫn có thể uống nước với lượng vừa phải trước khi chụp 2 giờ.

2. Trong khi chụp

  • Bệnh nhân nằm ngữa trên bàn trong phòng chụp, bệnh nhân có thể nằm theo một số tư thế đặc biệt theo yêu cầu của chẩn doán.
  • Thời gian chụp thường kéo dài 3-5 phút, một số trường hợp kéo dài hơn (15-30-45 phút) thì nhân viên y tế sẽ giải thích trong quá trình chụp.
  • Bệnh nhân cần nằm yên trong quá trình chụp. Nín thở trong quá trình chụp theo hướng dẫn của nhân viên y tế đối với các trường hợp chụp ngực và bụng.
  • Đối với bệnh nhân có tiêm thuốc cản quang thì thường có cảm giác nóng rát dọc theo tay và nóng ở mặt khi bơm thuốc cản quang, trong trường hợp này bệnh cần nằm yên để có hình ảnh tốt nhất.
  • Một số trường hợp chụp cắt lớp vi tính đường tiêu hóa, nhân viên y tế có thể yêu cầu bệnh nhân uống thuốc cản quang hoặc nước để tăng độ tương phản cấu trúc ống tiêu hóa, để giúp cho chẩn đoán được tốt hơn.

3. Sau khi chụp

  • Đối với bệnh nhân không có tiêm thuốc cản quang thì có thể hoạt động bình thường. Có thể ăn uống nếu không phải làm thêm các xét nghiệm khác (tùy từng loại xét nghiêm).
  • Đối với bệnh nhân có tiêm thuốc cản quang: Cần đè tay vào vị trí kim tiêm thuốc cản quang trong vòng 5-10 phút để tránh chảy máu. Trong vòng 24 h sau tiêm thuốc cản quang, cần uống nhiều nước để tăng đào thải thuốc cản quang ra khỏi cơ thể.
  • Sau khi chụp nếu có bất thường như: chóng mặt, nôn, buồn nôn, ngứa, đỏ da, mệt ngực, sốt, khó thở…. thì cần thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

4. Khi nào thì có kết quả

  • Sau khí chụp CT xong, kết quả sẽ được trả trong vòng 30-60 phút.
  • Một số trường hợp sẽ trả lâu hơn nếu cần hội chẩn.

Nếu bệnh nhân có yêu cầu hoặc thắc mắc thì có thể gặp bác sĩ đọc kết quả để được giải thích rõ hơn.

Bài viết liên quan

Hoạt động chuyên môn